I. KIẾN THỨC CẦN NHỚ
– Khái niệm về biểu thức và giá trị của biểu thức:
+ Biểu thức số học bao gồm các số được nối với nhau bởi các phép tính.
+ Giá trị của biểu thức: Là kết quả sau khi thực hiện các phép tính trong biểu thức.
– Ghi nhớ quy tắc về thứ tự thực hiện các phép tính trong một biểu thức.
+ Trong biểu thức chỉ có chứa phép cộng và phép trừ, ta thực hiện các phép tính theo chiều từ trái sang phải
+ Trong biểu thức chỉ có chứa hai phép toán nhân, chia, ta thực hiện phép tính từ trái sang phải.
+ Biểu thức có các phép tính cộng, trừ, nhân, chia thì ta thực hiện các phép tính nhân, chia trước; rồi thực hiện các phép tính cộng, trừ sau.
+ Biểu thức có dấu ngoặc thì cần tính các phép tính trong ngoặc trước rồi thực hiện các phép toán ngoài ngoặc theo thứ tự nhân, chia trước; cộng, trừ sau.
II. CÁC DẠNG TOÁN
Dạng 1: Tính giá trị của biểu thức.
+ Trong biểu thức chỉ chứa phép tính cộng, trừ hoặc nhân, chia ta thực hiện phép tính từ trái sang phải.
+ Trong biểu thức có chứa phép tính nhân, chia và phép tính cộng, trừ
- Bước 1: Thực hiện phép nhân, chia trước.
- Bước 2: Thực hiện phép cộng, trừ theo thứ tự từ trái sang phải.
Dạng 2: So sánh
- Bước 1: Tính giá trị của các phép toán đã cho trong các vế
- Bước 2: So sánh các giá trị vừa tìm được và điền dấu (nếu có yêu cầu)
Dạng 3: Toán đố
- Bước 1: Đọc và phân tích đề, xác định các số đã biết, yêu cầu của đề bài.
- Bước 2: Tìm cách giải cho bài toán, dựa vào các từ khóa như thêm, bớt, gấp, giảm đi, chia đều… để có dùng phép tính phù hợp.
- Bước 3: Trình bày bài toán rõ ràng: Câu lời giải, phép tính và đáp số.
- Bước 4: Kiểm tra lời giải và kết quả vừa tìm được.